Ý nghĩa ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10

Nữ sĩ Xuân Quỳnh từng viết những dòng thơ chân thành về người phụ nữ:

Buổi sớm mai ướm bước chân mình lên vết chân trên cát
Bà mẹ đã cho ra đời những Phù Đổng Thiên Vương
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học… hay là ai đi nữa
Vẫn là con của một người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên

           Trong suốt chiều dài lịch sử, ở bất cứ quốc gia nào, phụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng đối với gia đình và xã hội. Thế nên, ngoài ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, hàng năm ở nhiều quốc gia đều có những ngày riêng để tôn vinh đức hy sinh, tấm lòng cao cả và những đóng góp to lớn của phụ nữ: ở Indonesia là ngày Kartini 21/4, ở Thái Lan là ngày Người mẹ Thái Lan 12/8, ở Tây Ban Nha là ngày Bách Nữ vào chủ nhật tuần thứ 3 của tháng 5, ở Nam Phi là ngày Phụ nữ Nam Phi 9/8,… và ở Việt Nam ngày 20/10 – ngày Phụ nữ Việt Nam.

            Ngày 20/10 hàng năm được Đảng và Nhà nước chọn làm ngày truyền thống Phụ nữ Việt Nam. Ngày truyền thống này xuất phát từ sự kiện lịch sử trọng đại thành lập Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10/1930. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ Việt Nam trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.      

          Từ thời phong kiến, có biết bao người phụ nữ Việt Nam không cam chịu với những định kiến khắt khe đã vươn lên vừa chu toàn việc gia đình vừa tham gia vào các hoạt động của đất nước. Đó là Hai Bà Trưng anh hùng, quả cảm phát động và lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa đánh tan chính quyền đô hộ nhà Đông Hán, xưng vương và lập nền độc lập tự chủ. Đó là bà Triệu Thị Trinh với khát vọng “cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ”. Đó là Nguyên Phi Ỷ Lan nhiếp chính thay chồng trị nước, giúp Đại Việt thời Lý Thánh Tông trong ấm ngoài êm, nhân dân no đủ,… Và biết bao người phụ nữ thầm lặng, vô danh góp phần làm nên bản sắc phụ nữ Việt Nam.

          Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đất nước không thiếu những người phụ nữ anh dũng, chịu thương, chịu khó, những người mẹ thầm chôn giấu nỗi đau mất chồng mất con để tiếp tục lặng lẽ hi sinh cho hòa bình độc lập; những cô gái chưa kịp hưởng tuổi thanh xuân đã quên mình đi giao liên, du kích với tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Họ là chị Nguyễn Thị Minh Khai – nữ chiến sĩ cộng sản đầu tiên, chị Nguyễn Thị Chiên – nữ Anh hùng quân đội đầu tiên, chị Đinh Thị Vân – nữ đại tình báo tài giỏi thời chống Mỹ, bà Nguyễn Thị Định – nữ tướng duy nhất của Việt Nam thế kỉ XX, Đặng Thùy Trâm – nữ bác sĩ anh hùng… Đặc biệt, vào những năm kháng chiến chống Mỹ phụ nữ chiếm vị trí quan trọng  trong các lực lượng dân quân, du kích ở các xã ấp.

          Tiếp nối truyền thống đó, trong xu thế hội nhập và phát triển, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, khẳng định của mình trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại… Ngày càng có nhiều nữ chính trị gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Điển hình như Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh; GS.TS Nguyễn Thị Lang, nguyên Trưởng Bộ môn Di truyền và chọn giống, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 7 người phụ nữ được vinh danh trong Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2011 – Giải thưởng Phụ nữ sáng tạo năm 2014; Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, Trợ lý Phòng Tham mưu – Kế hoạch thuộc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đi làm nhiệm vụ tại phái bộ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan (30/10/2017);… Trong đó còn có không ít những phụ nữ tham gia các hoạt động thiện nguyện, các hoạt động giải trí mang lại bản sắc cũng như quảng bá đất nước Việt Nam ra bạn bè thế giới.

          Cũng như chị em phụ nữ cả nước, phụ nữ Trà Vinh không ngại hy sinh, vượt qua khó khăn nguy hiểm, anh hùng trong kháng chiến như các chị Đặng Thị Đê, Thạch Thị Thanh, Nguyễn Thị Út, Huỳnh Thị Cẩm, Tô Thị Huỳnh, Kiên Thị Nhẫn, Hồ Thị Nhâm,… Trong quá trình xây dựng đất nước, phụ nữ Trà Vinh ngày càng có tri thức, sức khỏe, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ở trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành, quý cô cũng đã phát huy vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thời hiện đại trở thành những cô giáo giỏi việc trường, đảm việc nhà, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nhà trường.

          Nhân kỷ niệm ngày 20/10, xin kính chúc quý cô, các em nữ sinh của trường chúng ta luôn luôn xinh đẹp, vui vẻ, mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn luôn thành công trong học tập và cuộc sống.