Những chú ý khi làm bài thi trắc nghiệm khách quan môn Toán

Các em học sinh Chuyên Nguyễn Thiện Thành thân mến! Tháng 12 sắp về và chúng ta lại bận rộn với một kỳ thi – kỳ thi học kỳ 1 năm học 2019 – 2020. Để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi, chúng ta cùng nhìn lại những chú ý khi làm bài trắc nghiệm khách quan môn Toán được tổng hợp từ các kỳ thi đã qua.

1/ Cần phân bố thời gian sao cho hợp lý:

Với số lượng câu hỏi 50 câu và thời gian làm bài 90 phút thì tính trung bình, các em sẽ có 1,8 phút để làm 1 câu. Tuy nhiên, không phải câu nào cũng có độ khó dễ như nhau nên không thể dành đều thời gian cho tất cả các câu.

Thường có khoảng 30 câu sẽ là câu nhận biết và thông hiểu nên có thể giải quyết những câu này dễ dàng và nhanh. Tính đến đây là đã mất khoảng 45 phút.

Thời gian 45 phút còn lại sẽ dùng để giải quyết các câu vận dụng và vận dụng cao.

2/ Cần đọc kỹ đề bài:

Có em vội vàng đọc lướt nhanh khiến sai đề, hiểu nhầm đề. Chẳng hạn đề yêu cầu tìm mệnh đề sai nhưng lại đi tìm mệnh đề đúng; đề cho đồ thị của f’(x) lại nhầm thành đồ thị của f(x). Vì thế, khi làm bài nên giữ tinh thần ổn, bình tĩnh, đọc kỹ yêu cầu của các câu hỏi trong đề. 

3/ Cần chú ý đơn vị khi sử dụng máy tính và nhập máy đúng: (độ và rađian)

Máy tính là vật dụng không thể thiếu khi làm bài thi trắc nghiệm khách quan môn Toán, nhưng nếu không để ý và bấm nhầm chỉ một con số hay một dấu quan trọng cũng đủ dẫn đến kết quả sai. Chẳng hạn như bị thiếu dấu ngoặc hay để nhầm đơn vị góc là độ trong khi cần đơn vị là rađian. Do đó, phải luôn luôn quan sát kỹ phần nhập vào trên máy tính, kiểm tra đúng rồi mới bấm ra kết quả.

4/ Cần nắm vững các khái niệm, tính chất và công thức:

Học sinh không nắm vững các khái niệm, tính chất có thể dẫn đến nhầm lẫn và sai kết quả. Chẳng hạn, cho rằng hình chóp đều thì có tất cả các cạnh bằng nhau hoặc nhớ nhầm giữa công thức tính diện tích xung quanh của hình nón và hình trụ, nhớ nhầm giữa công thức tính thể tích khối chóp và khối lăng trụ. Vì thế, nên học kỹ các khái niệm cơ bản, phân biệt rõ các tính chất, nắm vững công thức.

5/  Chú ý điều kiện khi giải phương trình, bất phương trình:

Việc không đặt điều kiện,thường dẫn đến việc thừa nghiệm của phương trình, bất phương trình. Dẫn đến sai kết quả. Đặc biệt là đối với phương trình logarit nên cần có thói quen đặt điều kiện và kiểm tra đối chiếu lại điều kiện sau khi giải.

Ngô Hải Đăng – sưu tầm và biên soạn