Người thực hiện: Trần Công Anh- Tổ Ngữ Văn
Trong bối cảnh cả nước đang cùng thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thì việc đổi mới các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học được xem là yếu tố cốt lõi.
Dạy học chuyển từ quá trình chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.Vì vậy, thực hiện nghiên cứu khoa học, trải nghiệm được đánh giá là phương pháp hiệu quả để học sinh mở rộng vốn kiến thức cũng như kỹ năng mềm của bản thân; là cơ hội để học sinh áp dụng những kiến thức lý thuyết đã học vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn. Khi tiến hành thực hiện nghiên cứu khoa học, cùng với sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh sẽ có điều kiện để tiếp cận với các đề tài khoa học, bắt đầu định hình được cách thức, quy trình để thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học. Không chỉ vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học còn góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo; khả năng tư duy độc lập, tự học hỏi của học sinh. Đối với mỗi học sinh, những kỹ năng này không chỉ quan trọng trong quãng thời gian học tập mà còn theo sát các em trong suốt thời gian làm việc sau này.
Bên cạnh đó hoạt động nghiên cứu khoa học cũng góp phần đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá : Sử dụng phương pháp dạy học tích cực, tăng cường thời gian tự học của học sinh, không dạy “cái gì” mà chú ý dạy bằng “cách gì” để học sinh có kiến thức. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường THPT có vai trò rất lớn vì: Hoạt động NC KH-KT là hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần đổi mới hình thức dạy học, phối hợp hỗ trợ các mô hình hoạt động giáo dục khác. Hơn nữa nó còn thúc đẩy việc vận dụng kiến thức liên môn, nâng cao trình độ giáo viên và học sinh, gắn trường THPT với trường Đại học và các hoạt động Công nghệ ngoài xã hội. Là hoạt động trải nghiệm sáng tạo đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục mới. Tạo sân chơi trí tuệ , tìm những ý tưởng khoa học độc đáo, là cú hích để đổi mới phương pháp dạy học, bớt dần dạy “chay”, học “chay”.
Học sinh tham gia nghiên cứu khoa học có những cơ hội để rèn luyện các kĩ năng và hình thành phẩm chất. Biết sử dụng phương pháp tư duy khoa học, nghiên cứu thực nghiệm, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kĩ năng ngôn ngữ, kĩ năng tin học, công nghệ…. Học sinh tự tin vào bản thân, có cơ hội giao lưu với bạn bè cùng chí hướng. Học sinh được tận mắt chứng kiến các công trình nghiên cứu KH-KT, học được cách chấp nhận mạo hiểm , khả năng vượt khó, học được cách thức truyền đạt ý tưởng khoa học. Học sinh đạt giải sẽ được tưởng thưởng, nhận được học bổng, cơ hội nghề nghiệp được nâng lên, trở thành công dân có năng lực.
2. Để đạt được hiệu quả cao trong việc hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học thì vai trò của người giáo viên là vô cùng quan trọng.
Việc đưa hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ kỹ thuật vào trong học sinh không chỉ có ý nghĩa tạo sân chơi bổ ích, mà còn khơi dậy sự đam mê sáng tạo cho các em ngay từ lứa tuổi học trò. Nếu các em học sinh được quan tâm, tạo điều kiện, động viên, khuyến khích, cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo thì những ý tưởng sáng tạo của các em sẽ trở thành những sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống. Chính vì điều đó, mà trong quá trình hướng dẫn học sinh tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo viên phải luôn chú ý rằng: Các sản phẩm sáng tạo KHKT phải lấy ý tưởng từ cuộc sống.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh đã có từ lâu với các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật các cấp. Tuy nhiên, những năm học gần đây, phong trào học sinh tham gia nghiên cứu khoa học bắt đầu có sự lan tỏa mạnh mẽ, trong đó nhiều ý tưởng, sáng tạo có ý nghĩa thiết thực. Những sản phẩm của hoạt động nghiên cứu khoa học ấy không chỉ là việc hiện thực hóa ý tưởng của các em học sinh, mà còn thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học, tạo nền tảng, kiến thức, kỹ năng nghiên cứu khoa học cho học sinh trong tương lai.
Bởi vậy, khi phát động, hướng dẫn học sinh tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, người giáo viên không chỉ là người hướng dẫn học sinh học tập, làm quen với nghiên cứu khoa học, mà quan trọng hơn là biết khơi dậy ở các em học sinh niềm đam mê với khoa học, dám mơ ước và dám thực hiện ước mơ. Và người giáo viên phải luôn xác định rằng, những ý tưởng trong sáng tạo khoa học không phải là cái gì đó quá to lớn, xa xôi, mà những gì đang diễn ra xung quanh trong đời sống thường ngày. Những ý tưởng sáng tạo có ý nghĩa phục vụ đời sống và làm cho cuộc sống con người tốt hơn.
Thông qua thực tiễn có thể đúc kết một số kinh nghiệm như sau.
2.1. Hướng dẫn học sinh tìm ý tưởng, tìm đề tài.
– Đề tài phải đúng hướng: Khoa học hành vi
– Đề tài phải sáng tạo, không lặp lại.
– Đề tài phải mang tính thực tiễn cao
– Đề tài phải mang tính khả thi, có thể áp dụng vào thực tế cuộc sống.
Kinh nghiệm: Cho học sinh tự tìm kiếm, liệt kê tất cả những mảng đề tài, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đời sống, từ đó giáo viên chọn lọc một đề tài tiêu biểu. Cũng có thể từ vấn đề học sinh nêu ra, giáo viên trên cơ sở đó hình thành ý tưởng mới.
2.2. Hướng dẫn học sinh chuẩn bị đề tài
– Chuẩn bị phiếu điều tra theo dạng trắc nghiệm
-Chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn. Có thể ghi âm, ghi hình, cũng có thể ghi bằng văn bản để làm minh chứng.
– Chuẩn bị một số vật dụng cần thiết khác: Máy quay phim, chụp hình, máy tính…
2.3. Hướng dẫn học sinh trải nghiệm, thực nghiệm.
– Xây dựng kế hoạch làm việc.
– Viết nhật trình công việc.
– Phân loại và thống kê số liệu.
2.4. Hướng dẫn học sinh trình bày báo cáo.
– Thể thức văn bản khoa học, trình bày đề cương, kế hoạch nghiên cứu, báo cáo tóm tắt.
– Sử dụng các phương pháp để trình bày báo cáo.
2.5. Hướng dẫn học sinh trình bày poster
2.6. Hướng dẫn học sinh thuyết trình
– Giọng điệu, cử chỉ điệu bộ, nét mặt, thái độ khi thuyết trình.
– Trang phục thuyết trình.
– Dự kiến câu hỏi để trả lời.
– Chuẩn bị các nguồn minh chứng trong quá trình làm đề tài. Nguồn minh chứng cần phong phú, bao gồm nhiều yếu tố khác nhau: Tranh ảnh, sổ lưu nhật kí, phiếu điều tra, bài phỏng vấn…
– Chuẩn bị bài thuyết trình bằng tiếng anh.
3. Để thu hút học sinh tham gia tích cực, say mê, thực hiện nghiên cứu khoa học một cách có hiệu quả cần chú trọng thực hiện một số những giải pháp sau
Thứ nhất, cần tạo dựng môi trường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh dành cho học sinh, dưới sự hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa của giáo viên và nhà trường;
Thứ hai, cần khuyến khích, tạo động lực cho học sinh tham gia tích cực những hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua việc biểu dương thành tích tại các cuộc thi, các cuộc hội thảo nghiên cứu khoa học ở các cấp.
Thứ ba, cần định hướng cho học sinh lựa chọn những đề tài phù hợp với thực tiễn, trình độ kiến thức và phù hợp với sở thích, sở trường của các em.
Thứ tư, tăng cường các điều kiện phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh bằng cách đầu tư hệ thống thông tin thư viện, phương tiện kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ cho học sinh trong việc tìm kiếm, thu thập tài liệu, thông tin.
Thứ năm, tạo điều kiện để những thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học có chất lượng của học sinh được áp dụng vào thực tiễn; tạo động lực cho học sinh tích cực thực hiện những nghiên cứu khoa học vừa mang tính lý luận vừa mang tính ứng dụng thực tiễn.
Bên cạnh đó, về phía mình, học sinh cần phải nhận thức được vai trò thiết thực của hoạt động nghiên cứu khoa học, từ đó, có ý thức tự giác, nghiêm túc và kiên trì theo đuổi thực hiện thành công những đề tài nghiên cứu mà mình đã lựa chọn. Nghiên cứu khoa học không những củng cố, nâng cao vốn hiểu biết về kiến thức lý luận, kiến thức xã hội mà còn góp phần rèn luyện những kỹ năng mềm quan trọng dành cho học sinh như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy độc lập hay kỹ năng thuyết trình… Do vậy, nhà trường và bản thân mỗi học sinh luôn phải đề cao tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, tích cực thực hiện các biện pháp để không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong học sinh.
Lưu ý thêm: VAI TRÒ CỦA THẦY, CÔ KHI HƯỚNG DẪN HỌC SINH NGHIÊN CỨU KH-KT
- Không làm thay học sinh : đảm bảo tư duy sáng tạo độc lập của học sinh
- Định hướng : Gợi mở các vấn đề và hướng đi hợp lý có tính khả thi
- Trợ giúp : Giúp tìm tài liệu, hướng dẫn PP nghiên cứu, liên hệ các tổ chức cơ quan, địa bàn có liên quan
- Tư vấn: Giải đáp băn khoăn, chỉnh sửa sai sót
- Huấn luyện : Rèn luyện cho HS một số kỹ năng tư duy, kỹ năng đọc- viết, kỹ năng phản biện, kĩ năng phân tích tổng hợp, kĩ năng báo cáo đề tài trước mọi người.