Vài suy nghĩ về mối quan hệ giữa Triết học và Văn chương.

Giáo viên: Nguyễn Thị Linh Thy – Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành

Đã có một thời gian dài, con người đồng nhất mối quan hệ giữa triết học với văn chương. Trước đây, ở phương Tây, triết học được xem là khoa học của mọi khoa học. Điều đó có nghĩa, triết học bao gồm toàn bộ sự hiểu biết của con người về thế giới, triết học thay thế cho toàn bộ các khoa học. Dần dần, sự tiến bộ của tri thức nhân loại đã dẫn đến sự phân ngành khoa học. Triết học trở thành một ngành khoa học độc lập. Và văn chương, với tư cách là một loại hình nghệ thuật độc lập, đã chính thức ra đời. Tuy vậy, giữa triết học và văn chương vẫn tồn tại mối quan hệ khăng khít. Cả triết học và văn chương đều là những hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng, do cơ sở hạ tầng qui định. Chính vì thế, các nhà văn, nhà triết học đều là con đẻ của thời đại họ. Các tác phẩm của họ là sự phản ánh, lí giải, minh chứng,… cho những lĩnh vực khác nhau của hiện thực đời sống. Nói như Plékhanov: “ đối tượng của triết học cũng đồng thời là đối tượng của nghệ thuật”. Vậy, đâu là cơ sở để phân biệt sự khác nhau giữa triết học và nghệ thuật ?

Biêlinxki, nhà Mĩ học và Phê bình Nga, đã viết: “Một người chứng minh, một người biểu hiện và cả hai người cùng thuyết phục, chỉ có khác là một người thuyết phục bằng những kết luận logic; người kia bằng những hình tượng. Song chỉ có số ít nghe và hiểu được người thứ nhất, còn ai cũng có thể nghe và hiểu được người thứ hai”. Câu nói của Biêlinxki phân biệt rất rõ điểm dị biệt và tương đồng giữa triết học với văn chương. Triết học là một khoa học còn văn chương là một loại hình nghệ thuật. Đối với một nhà khoa học, muốn đưa ra một kết luận khoa học đòi hỏi nhà khoa học phải có sự nghiên cứu tìm tòi; phải có những thí nghiệm, thực nghiệm khoa học với kết quả duy nhất, cụ thể để chứng minh cho mọi người thấy kết luận của họ là đúng. Có như thế, kết luận khoa học ấy mới có sức thuyết phục và được công nhận. Triết học, với tư cách là một khoa học, cũng vậy. Nhưng nhà triết học không chứng minh ý tưởng của mình bằng những thí nghiệm như các nhà toán học, hóa học, sinh học,… mà họ chứng minh bằng lí luận logic và thực nghiệm xã hội. Còn nhà văn, với tư cách là người sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn ngữ và hình tượng, họ biểu hiện ý tưởng của mình bằng hệ thống hình tượng nghệ thuật. Ý tưởng, quan điểm của nhà văn cũng là những kết luận triết học nhưng kết luận ấy không được thể hiện bằng những lí luận khoa học mà được biểu hiện bằng nghệ thuật miêu tả, phản ánh. Nếu triết học dùng tư duy logic để nhận thức, nghiên cứu các hiện tượng đời sống và khái quát lại thành những qui luật, khái niệm thì văn chương lại thể hiện các hiện tượng đời sống bằng những hình tượng sinh động cụ thể. Phương pháp biểu hiện của văn chương là phương pháp hình tượng hóa, điển hình hóa còn phương pháp biểu hiện của triết học là phương pháp trừu tượng hóa, khái quát hóa. Chẳng hạn, đề cập đến sự mâu thuẫn giai cấp trong xã hội tư bản, Mác – Lênin dùng học thuyết giá trị thặng dư để vạch rõ bản chất bóc lột của giai cấp tư sản đối với những người vô sản, từ đó lí giải nguyên nhân cuộc sống khổ cực của nhân dân lao động. Cũng viết về mối quan hệ mâu thuẫn ấy, các nhà văn lại thể hiện bằng các hình tượng nghệ thuật sinh động. Ban – dắc đã xây dựng nên hình tượng nhân vặt Grăngđê (trong tác phẩm Ơgiêni Grăngđê ) như một biểu tượng cho sự vơ vét, bóc lột và thói bủn xỉn của những tay tư sản nhà quê. Môlie với tác phẩm Lão hà tiện đã cho người đọc thấy hết bản chất keo kiệt của tay tư sản dốt nát. Tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-minh- uê không chỉ ca ngợi sức mạnh niềm tin và ý chí của người lao động mà qua chi tiết đàn cá mập bao vây, xâu xé con các kiếm, thành quả lao động mà lão Xan-ti- a-gô phải vất vả lắm mới có được, đã gợi lên trong tâm trí người đọc sự áp bức, bóc lột đang diễn ra hàng ngày trong xã hội tư bản. Lấy cảm hứng từ huyền thoại hang động trong đối thoại triết học của triết gia thời cổ đại Platon, Jose Saramago đã viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Hang động để phê phán xã hội tiêu thụ nói riêng và chủ nghĩa tư bản tự do mới nói chung thông qua hình ảnh khủng khiếp của trung tâm thương mại khổng lồ từng ngày từng giờ bành trướng về đất đai, về quyền uy, không chỉ về vật chất mà cả tinh thần, “một thành phố trong một thành phố, nhưng lại to hơn chính cái thành phố kia”. José Sarmago đã tạo nên hình tượng hang động để nói về nỗi khổ của con người khi mà lối sống thực dụng, thói quen tiêu thụ, triết lý thị trường của xã hội tư bản ngày càng phát triển, sinh ra những mối quan hệ mới, những thế giới quan mới, buộc người ta phải quen với một trạng thái nô lệ kiểu mới, “ai không điều chỉnh được sẽ không dùng được”, và cũng như trong tác phẩm của nhà triết học Platon, một số người thoát ra khỏi hang động này đã kịp thời nhận ra có thể có một cách sống khác.

Có thể nói, cả triết học và nghệ thuật đều hướng về nhiệm vụ phản ánh và tái tạo lại thực tại xã hội. Như Marx đã nói về nhiệm vụ của triết học: “Triết học không những chỉ nhằm giải thích đúng đắn thế giới khách quan mà quan trọng hơn là cải tạo thế giới”, và Phạm Văn Đồng đã nói về sứ mệnh của văn chương: “Văn học, nghệ thuật là công cụ để hiểu biết, để khám phá, để sáng tạo lại thực tại xã hội” . Văn chương và triết học nói riêng, nghệ thuật và khoa học nói chung đều là những công cụ nhận thức hiện thực khách quan. Cả khoa học và nghệ thuật đều có mục đích là phát hiện ra những quy luật của thế giới, vũ trang cho con người những hiểu biết về thế giới để con người cải tạo thế giới. Thực tiễn nghệ thuật đã chứng minh nó có thể cung cấp và thực sự cung cấp cho con người một nhận thức to lớn. Nó không chỉ là sự tái hiện lại một cách giản đơn những hiện tượng trong cuộc sống mà là sự phát hiện chân lí cuộc sống, sự khái quát, bộc lộ ý nghĩa bản chất cuộc sống. Nếu nhà khí tượng phải dựa vào một hệ thống các máy móc để có một dự báo chính xác về thời tiết bằng những con số cụ thể thì nhờ vào khả năng quan sát, ông cha ta đã thể hiện những kinh nghiệm về thời tiết của mình bằng những câu văn vần cô đọng, dễ đọc, dễ nhớ và cũng khá chính xác : Trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa / Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa / Vẩy mại thì mưa, bối bừa thì nắng,…. Cùng quan sát quá trình nở và tàn của một bông hoa, nhà triết học cho rằng: sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất; còn nhà nghệ sĩ lại viết: sự hữu hạn của cuộc đời. Cả hai kết luận đều hướng vào cùng một hiện tượng và đều có sức thuyết phục. Chỉ có khác là cả hai đã đứng ở những góc độ nhìn khác nhau để nhận xét hiện tượng. Cũng như Biêlinxki đã nói: “ chỗ khác nhau giữa khoa học và nghệ thuật không phải ở nội dung mà là ở phương pháp sáng tạo ra nội dung”.

Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta ai cũng có thể tạo ra hoặc đọc thuộc lòng được dăm ba câu thơ. Nhưng với triết học thì không. Vì triết học là một khoa học, nó đòi hỏi khả năng tư duy lôgic và sự chính xác cao nên không phải ai cũng có thể hiểu được những điều mà nhà triết học muốn nói. Và đã khó hiểu thì không thể nhớ. Trong thời kháng chiến chống Pháp – Mĩ, nhiều nông dân Nam bộ Việt Nam có thể cùng một lúc đọc thuộc lòng hàng chục câu thơ trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu hay vài ba câu Kiều của Nguyễn Du nhưng bảo họ đọc thuộc một đoạn trong luận cương của Mác – Lênin thì hầu như họ không đọc được, mặc dù họ đã là những nhà cách mạng. Điều đó không có gì khó hiểu. Như Lê Duẩn có nói: “triết học giải quyết vấn đề lý trí, nghệ thuật xây dựng tình cảm”. “ Nói đến nghệ thuật là nói đến qui luật riêng của tình cảm”. Mà đã là tình cảm thì ai cũng có nhu cầu và khả năng đón nhận. Còn triết học, thông thường chỉ một bộ phận nhỏ những trí thức chuyên nghiên cứu về nó mới có thể hiểu được nó. Triết học rất khó để tiếp nhận đối với quảng đại quần chúng nhưng văn chương thì lại có sức lan tỏa rất lớn. Thấy rõ được điều này nên trong cuộc kháng chiến chống Pháp – Mĩ, Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài thơ tuyên truyền (bài Mười chính sách của Việt Minh, Ca sợi chỉ, Ca binh lính,..) để phổ biến rộng rãi đến anh em chiến sĩ và nhân dân đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước theo định hướng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Nhờ vậy, mà đại đa số quân dân đều hiểu được tính chất, ý nghĩa của cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ mà cả dân tộc đang gánh vác trên vai; càng hiểu thì ý chí, quyết tâm chiến đấu càng cao. Lưu Quý Kì từng nói: “Nhà thơ gói tâm tình của mình trong thơ. Người đọc mở ra bỗng thấy tâm tình của chính mình”. Thơ ca nói riêng, văn chương nói chung là những bức tranh đa chiều vừa miêu tả hiện thực đời sống, vừa miêu tả hiện thực lòng người. Nó là tấm lăng kính phản chiếu từng mảnh hiện thực vốn đã được gạn lọc từ đại dương cuộc sống. Văn chương không sao chép thụ động những mảnh tủn mủn của cuộc sống mà nó phản chiếu bản chất cuộc đời ở một điểm sáng hội tụ, tiêu biểu và chân thực hơn cả hiện thực trong tự nhiên. Và điều gì tạo nên sự phản chiếu đó? Đó chính là tình cảm. Nguyễn Khải từng viết: “ Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm, chứ không phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật”. Và nếu tình cảm “giống như ngọn lửa bốc lên từ những cành khô” (Gamzatốp) của nhà văn chỉ dừng lại trên trang giấy thì nó cũng sớm lụi tàn. Chỉ khi thứ tình cảm ấy được truyền tải đến người đọc thì nó mới có sức sống lâu bền. Như câu nói của Bùi Hiển: “Ở nước nào cũng thế thôi, sự cảm thông, sẻ chia giữa người đọc và người viết là trên hết”. Và đã là sự cảm thông, sẻ chia thì mỗi người tiếp nhận đều có quyền chọn cho mình cách cảm thông và mức độ sẻ chia khác nhau, tùy vào khả năng của họ. Tiếp nhận văn chương, bản chất của nó đã là một việc tự do. Nó không đòi hỏi sự chính xác duy nhất như triết học nên hầu hết mọi người đều có thể hiểu được nó. Và không ai có quyền nhận xét cách hiểu của người khác là đúng hay sai.

Ví dụ: nhận thức luận Mác-xít chỉ rõ: “Ý thức của con người không có gì khác hơn là tồn tại được ý thức”. Câu nói này chỉ có một cách hiểu duy nhất là: hiểu biết của con người chính là sự nhận thức được những hiện tượng tồn tại trong tự nhiên, xã hội. Còn như câu ca dao: “ Gió đưa cây cải về trời – Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”, hoặc câu: “ Bao giờ cho đến tháng ba – Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng ” thì mỗi người tiếp nhận sẽ có những cách hiểu khác nhau. Hay như đoạn thơ trong bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca (Thanh Thảo) “không ai chôn cất tiếng đàn – tiếng đàn như cỏ mọc hoang – giọt nước mắt vầng trăng – long lanh trong đáy giếng” đã tốn khá nhiều giấy mực của đọc giả bàn luận về nó. Đọc Tội ác và hình phạt của Đô-xtôi- ép-xki, nhiều người kinh sợ và lên án hành động của nhân vật Raxkônnikôp; nhưng nhiều người khác lại cảm thông cho hành động tội lỗi của chàng. Hơn thế nữa, một số bạn đọc đã rút ra được một kết luận từ hành vi phạm tội của nhân vật : khi con người bị đẩy đến cảnh bần cùng, không lối thoát thì họ có thể bị biến thành quỷ dử, thậm chí trước đó họ vốn là những thiên thần. Một số bạn đọc khác lại thấy được khả năng bùng nổ của một cuộc cách mạng qua hình tượng nhân vật Raxkônnikôp,…Khi tiếp nhận Trăm năm cô đơn của Marquez, một bộ phận độc giả đã đánh giá thấp giá trị của tác phẩm, họ cho rằng thật khó hiểu bởi có quá nhiều chi tiết kì ảo; nhưng lại có nhiều bạn đọc đã tìm thấy được trong tác phẩm những tư tưởng lớn lao của thời đại và xem đó như là một trong những viên trân châu của nền văn học nhân loại. Quán rượu của Emin Zola, ngay từ khi ra đời, đã tạo ra nhiều luồng dư luận, như chính nhà văn từng viết: “ Khi Quán rượu xuất hiện trên một tờ báo, nó đã bị đả kích một cách tàn nhẫn chưa từng thấy, bị tố cáo, bị buộc phải chịu trách nhiệm về mọi thứ tội ác. Có thật cần thiết phải giải thích ra đây, qua một vài dòng, những ý định nhà văn của tôi không ? Tôi muốn miêu tả sự suy sụp tất yếu của gia đình một công nhân trong môi trường thối nát của các vùng ngoại ô chúng ta. Hậu quả của nghiện rượu và lười biếng là sự lơi lỏng tình nghĩa gia đình, là những chuyện vô liêm sỉ trong cảnh ăn chung ở đụng, là sự quên dần mọi tình cảm tốt đẹp, rồi kết thúc, là nhục nhã và cái chết. Đó là đạo đức trong hành động, có thế thôi. Quán rượu chắc chắn là tác phẩm trong sạch nhất của tôi” (tháng giêng năm 1877). Viết về Quán rượu, Mark Ravenhill cho rằng: “Trong L’Assommoir, công chúng Pháp sửng sốt khi chứng kiến những nhân vật bị thân thể và dục vọng bản năng chế ngự. Họ chửi thề, nói tiếng lóng, không từng phí thời gian để nghĩ về đạo đức hay triết học. Về điểm này, nước Anh còn lâu mới đuổi kịp Zola. Dicckens cũng nổi tiếng là nhà văn chuyên viết về các vấn đề xã hội thông qua cái lố bịch và những trạng thái sướt mướt, ủy mị của con người nhưng không có được cái nhìn không khoan nhượng đối với hiện thực như Zola. Lối viết thẳng thừng về những hành vi tình dục diễn ra thường xuyên trong tiểu thuyết của Zola khiến cho các nhà xuất bản thường coi sách ông mang nặng tính khiêu dâm (…) . Nếu bạn chưa từng đọc Zola, hãy mạnh dạn đến với trang sách của ông. L’Assommoir là nơi tuyệt vời nhất để bắt đầu cho chuyến khám phá bức tranh rộng lớn về nhân loại”. Hai ý kiến của hai nhà văn vừa nêu chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tự do và đa dạng trong tiếp nhận văn chương của công chúng. Chính quyền tự do trong tiếp nhận văn chương, khả năng truyền tải tình cảm của tác phẩm văn chương đã giúp cho văn chương nghệ thuật trở thành một mảnh đất mênh mông, màu mỡ mà ai cũng có thể ươm trồng lên đó những hạt giống tình cảm và khi đến với nó hầu như “ai cũng có thể nghe và hiểu được”.

Câu nhận định của nhà Mĩ học và Phê bình Nga Biêlinxki về điểm giống và khác giữa triết học với văn chương quả rất đúng. Nó cho chúng thấy được mức độ am hiểu của tác giả ở cả hai lĩnh vực: văn chương và triết học. Vì phải thật sự hiểu biết thấu đáo từng lĩnh vực thì mới có thể đúc kết được một nhận xét chuẩn xác như thế. Văn chương và triết học như cây cung và mũi giáo của người thợ săn. Tuy cả hai khác nhau về cách thức sử dụng nhưng điểm chung của chúng là đón bắt và thâu tóm những hiện tượng khác nhau trong tự nhiên và đời sống xã hội. Để từ đó khái quát thành những qui luật. Văn chương và triết học gần gũi và ảnh hưởng lẫn nhau. Triết học cung cấp cho văn chương lối nhìn, cách nghĩ, cách rút ra những kết luận về hiện tượng và sự vật. Còn văn chương, bằng tình cảm, khi nêu lên được những vấn đề cuộc sống, con người, mối quan hệ giữa người với người,…thì văn chương cũng đạt được tầm triết học. Những tư tưởng triết học có ý nghĩa chỉ đường cho văn chương, làm cơ sở tư tưởng, chỗ dựa tinh thần cho văn chương. Ngược lại, văn chương, với nghệ thuật biểu hiện bằng hình tượng của mình, đã dễ dàng truyền tải đến người đọc những tư tưởng mang tầm triết học về thiên nhiên, cuộc sống. Có thể nói rằng, mối quan hệ giữa triết học và văn chương là mối quan hệ giữa ý thức tư tưởng với nghệ thuật miêu tả, phản ánh.