NƯỚC ANH ĐƯỢC VÀ MẤT GÌ KHI RỜI KHỎI LIÊN MINH CHÂU ÂU

anh rời eu

1. Anh chính thức rời liên minh châu Âu

Đúng 23h ngày 31/1/2020, Anh rời khỏi EU sau 47 năm là thành viên, với 3 năm đầy căng thẳng và dai dẳng chuẩn bị cho quá trình ra đi, sau cuộc bỏ phiếu Brexit lịch sử năm 2016.

Những tiếng chuông của tháp đồng hồ Big Ben đã đánh dấu thời khắc nước Anh rời khỏi khối thương mại lớn nhất thế giới, bước vào một khởi đầu mới đầy bất định. Trên khắp nước Anh là những cuộc ăn mừng lẫn sự nuối tiếc.

Đối với Anh, quốc gia từng vật lộn trong giai đoạn hậu Thế chiến 2 khi chuyển từ một đế quốc toàn cầu thành một thành viên bất đắc dĩ của khối châu Âu, việc rời khỏi EU là một sự ra đi có ý nghĩa và tác động to lớn.

anh rời eu
Cờ Anh được kéo xuống bên ngoài Nghị viện châu Âu ở Brussels

Cuộc chia tay với EU hôm 31/1 làm dấy lên cả hy vọng lẫn sự lo lắng đối với người Anh. Tuy nhiên, nhiều người chỉ đơn giản là nhẹ nhõm vì cuộc tranh luận đầy chua chát và gây chia rẽ trong nội bộ nước Anh cuối cùng cũng đi đến hồi kết.

Những người ủng hộ Brexit đã tụ tập ở nhiều địa điểm tại nước Anh để đếm ngược tới thời khắc Anh chính thức rời EU.

Tại quảng trường tòa nhà Hạ viện Anh, đám đông hàng nghìn người ủng hộ Brexit đã có mặt. Nigel Farage, chính trị gia lãnh đạo đảng Brexit, phát biểu trước đám đông tôn vinh Brexit như “dấu mốc không thể đảo ngược” và là chiến thắng “của người dân đánh bại giới tinh hoa chính trị”.

Với việc đã chính thức rời EU, Anh vẫn sẽ phải tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại trong tương lai với EU. Đây được dự báo là một tiến trình gai góc, có thể kéo dài tới hết năm 2020 hay thậm chí lâu hơn.

Lập trường nhất quán và mạnh mẽ về việc “hoàn thành Brexit” đã giúp đảng Bảo thủ của ông Johnson giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 1, với đa số tuyệt đối tại Hạ viện Anh. Ông Johnson cam kết sẽ đoàn kết lại nước Anh sau những năm tháng chia rẽ sâu sắc về mọi mặt vì những cuộc tranh luận xung quanh chủ đề Brexit.

2. Brexit, nước Anh được và mất gì?

Anh sẽ thiệt hại cả về kinh tế và chính trị khi rút khỏi EU. Theo những tính toán được đưa ra, kinh tế Anh sẽ tuột dốc trong 5 năm tới, chịu tổn thất đến 100 tỷ bảng – tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ ba EU, GDP sẽ giảm 4-10% do thất thu về thương mại và tài chính, đồng bảng mất giá 20%, gần 1 triệu người lao động mất việc làm do hàng trăm doanh nghiệp rời khỏi Vương quốc Anh…

Một ước tính mới đây cho thấy, mỗi người Anh sẽ mất 3.200USD khi không còn được nhận hỗ trợ thuế. Việc chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng lên vì đồng bảng mất giá. Đặc biệt, do London được coi là “lá phổi”, là “trái tim” tài chính của châu Âu nên việc rời EU sẽ khiến Anh mất đi vai trò trọng yếu của một trung tâm tài chính và lợi thế là cánh cổng kết nối thị trường thế giới với châu Âu.

Một trong những lợi ích lớn nhất khi là thành viên của EU là thương mại tự do giữa các quốc gia trong khối. Mậu dịch tự do giúp các công ty Anh xuất khẩu hàng hóa dễ dàng hơn, với chi phí rẻ hơn các nước khác ở châu Âu. Nhưng nếu rời EU, nước Anh sẽ phải đối mặt với rủi ro mất đi sức mạnh quốc tế khi rời khỏi một liên minh thương mại vững mạnh.

Việc tự do đi lại trên toàn EU đã mở ra hàng loạt những cơ hội việc làm cho người lao động Anh và khiến các công ty Anh dễ dàng tuyển dụng lao động từ các nước EU khác. Rời EU đồng nghĩa với việc nước Anh phải tự xoay xở trong biên giới của chính mình. Brexit sẽ hạn chế cơ hội những cá nhân tốt nhất ở châu Âu tới Anh làm việc.

Tầm ảnh hưởng về quân sự của nước Anh cũng có thể sẽ bị tổn hại. Mỹ sẽ không còn coi Anh là một đồng minh quan trọng như hiện nay nếu Anh tách khỏi châu Âu. Ở một kịch bản tệ hơn, xứ sở sương mù có thể sẽ tự cô lập mình, trở thành một “kẻ ngoại đạo” ở châu Âu, tham gia hạn chế vào thị trường chung, gần như không có tầm ảnh hưởng và có rất ít đồng minh.

The Economist cho rằng, nếu rời đi, nước Anh vẫn sẽ chịu tác động của hàng loạt các vấn đề chính trị và kinh tế châu Âu, nhưng sẽ không còn giữ được vị thế của mình trên bàn đàm phán để quyết định những vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn.

Tuy nhiên việc rời EU, nước Anh sẽ không bị ràng buộc bởi các quy định cứng nhắc trong EU, không phải chịu hậu quả từ những bất ổn và bê bối xảy ra ở các nước thành viên khác, có quyền quyết định mọi vấn đề mà không cần sự đồng ý của 27 nước khác… Hơn thế nữa, Anh vẫn có vị thế là nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu.

Một điều không thể phủ nhận là khi rời EU, Anh sẽ tự chủ hơn trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nước ngoài EU chứ không phải chịu những luật lệ và quy định phức tạp của khối.

The Economist cho rằng, nếu Anh có thể đàm phán một hiệp định thương mại tự do với châu Âu, GDP có thể sẽ tăng 1,6%. Hơn nữa việc rời đi, nước Anh sẽ không còn phải chi 8,5 tỷ bảng đóng góp vào ngân sách của mái nhà chung EU. Sự cạnh tranh công ăn việc làm của người dân Anh với những người nhập cư không còn khốc liệt như trước. Anh sẽ được xem là một nơi trú ẩn an toàn để tránh xa những rủi ro về tài chính tại châu Âu, sẽ là nơi thu hút giới đầu tư và đẩy giá trị đồng bảng Anh tăng mạnh.

Brexit thành công nhưng những khó khăn đã hiện hữu trước mắt London, khi tương lai của nước Anh đang trở nên bất định. Tại phía Bắc, Scotland đe dọa sẽ tái khởi động chiến dịch đòi độc lập, trong khi ý tưởng tái thống nhất với Cộng hòa Ireland đang nhen nhóm trở lại tại Bắc Ireland.                                                    

 (nhóm Sử – Địa)