Cái chết có đáng sợ không? Ung thư có đáng sợ không? Dám chắc rằng nếu đem những câu hỏi như thế đi khảo sát, phần lớn câu trả lời bạn nhận được là: rất đáng sợ.
Tôi cũng từng sống trong nỗi ám ảnh, sợ hãi khi “bóng ma” của căn bệnh ung thư phủ trùm đe dọa cuộc sống của loài người. Đến một ngày, vô tình đọc được những dòng chữ “Ngay cả khi tôi phải chết, tôi vẫn sống cho tới lúc thực sự ra đi. Bạn sẽ làm gì khi con đường phía trước không biết là còn dài bao nhiêu? Sẽ sống từng ngày đó như thế nào?”, tôi đã nhanh chóng tìm đến xuất xứ dòng chữ đó: quyển sách “Khi hơi thở hóa thinh không” (When Breath Becomes Air) của Paul Kalanithi. Giữa cái thinh lặng của những hàng chữ, một sức mạnh vô hình đã đánh tan hết những ám ảnh trong tôi: Cái chết không phải là điều đáng sợ nhất, đáng sợ nhất là phải biết cách sống và cách chết.
Quyển sách tiếng Việt có bìa mềm, màu xanh da trời với hai bìa khá đặc biệt: đều là hình ảnh phía sau lung của một người đàn ông. Bìa trước là hình ảnh người đàn ông ấy trong bộ trang phục bác sĩ phẫu thuật. Bìa sau cũng vẫn người đàn ông ấy nhưng trong bộ trang phục của bệnh nhân. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Điều đó đã khơi gợi hứng thú dẫn tôi đồng hành với quyển sách gồm 236 trang, kích thước 13 x 20,5cm của Nhà xuất bản Lao động do Trần Thanh Hương dịch sang tiếng Việt, được công ty Omega Plus phát hành tháng 08/2017. Đây là quyển hồi kí với tên tiếng Anh “When Breath Becomes Air” của Paul Kalanithi. Vậy Paul Kalanithi, anh là ai?
Paul Kalanithi
Paul Kalanithi là một bác sĩ giải phẫu thần kinh tài năng người Mỹ gốc Ấn Độ sinh năm 1977. Anh đã xác định lí tưởng sống cho mình khi còn rất trẻ và lựa chọn con đường dấn thân đầy khó khăn trong khoa học. Hơn cả thế, anh còn là Thạc sĩ văn học Anh ở Standford, thạc sĩ lịch sử và triết học khoa học tại Cambridge. Mất vì căn bệnh ung thư phổi năm 37 tuổi, khi tài năng đang độ chín, hạnh phúc đang cạnh bên và tương lai đang rộng mở. Hồi kí Khi hơi thở hóa thinh không là quyển sách duy nhất của anh được phát hành bởi Random House tại Mỹ ngày 12/1/2016, sau khi anh qua đời.
Sự ra đời của When Breath Becomes Air tạo ra một sức ảnh hưởng đối với độc giả Mỹ và trên toàn thế giới. Hồi kí đứng đầu danh mục sách phi hư cấu bán chạy của The New York Times trong 68 tuần; được những tờ báo nổi tiếng như USA Today, The Boston Globe, Entertainment Weekly,…đánh giá cao; Bill Gates đã rơi nước mắt khi đọc; thắng giải lựa chọn của trang Goodreads năm 2016; đề cử giải “Wellcome Book” năm 2017; vào vòng chung khảo giải “Pulitzer”, hạng mục Tự truyện và Tiểu sử, năm 2017; vào vòng 2 giải “Jan Michalski” năm 2017. Hiện nay, quyển sách này được rất nhiều độc giả ở Việt Nam yêu thích và say mê.
Ngoài lời đề tựa do Tiến sĩ Abraham Verghese viết, lời mở đầu của tác giả và lời bạt do Lucky Kalanithi – vợ Paul viết, Khi hơi thở hóa thinh không gồm có hai phần chính: phần một “Khởi đầu với một sức khỏe hoàn hảo” và phần hai “Không dừng cho tới chết”. Tác phẩm là tự truyện của Paul trong hành trình dằng dặc đi tìm ý nghĩa thật sự của sự sống. Trong hành trình ấy, ta bắt gặp một anh thanh niên đầy lí tưởng và trách nhiệm. Với sự thôi thúc của câu hỏi “Điều gì khiến cuộc đời con người có ý nghĩa?”, anh đã tìm đến ngành Văn học Anh, Sinh học người bởi “Tôi vẫn thấy văn học là công cụ biểu đạt tốt nhất về đời sống của một tâm hồn, còn khoa học thần kinh lại đặt ra những quy luật tinh tế về não bộ”. Thậm chí, Paul đã đăng kí học Thạc sĩ Văn học Anh và chuẩn bị tốt nghiệp với đồ án “Whitman và sự Y khoa hóa Tính cách”. Thế nhưng sau những sự kiện quan trọng, anh đã chọn ngành Y và quyết định trở thành bác sĩ giải phẫu thần kinh. Quyển sách của Paul còn đưa người đọc đến những tháng ngày làm việc với áp lực của những ca phẫu thuật kéo dài từ 6 giờ sáng đến đêm khuya, với những dằn vặt cùng câu hỏi “Điều gì khiến cuộc đời đủ ý nghĩa nhất để tiếp tục sống?”, với những lần chứng kiến mọi ngóc ngách xung quanh đều có cái chết chực chờ “Một ông nghiện rượu, mất khả năng đông máu, bị chảy máu đến chết ở những khớp xương và dưới da”, “Một nhà nghiên cứu bệnh học, chết vì viêm phổi, khò khè từng hơi thở hấp hối trước khi được đưa đi khám nghiệm tử thi.”, với những day dứt khi phải đưa ra lời khuyên cho người nhà bệnh nhân khi sự sống với bệnh nhân chỉ còn tính bằng giờ, … Thế đấy, quyển sách đã cho ta không chỉ hiểu một con người, mà còn hiểu hơn về áp lực của một nghề nghiệp mà ai nhìn vào cũng chỉ thấy ánh hào quang. Song, có lẽ những trang tuyệt vời nhất là những trang viết về cuộc chiến đấu chống lại bệnh tật và sự sụp đổ tinh thần khi căn bệnh ung thư phổi quái ác đột ngột ập đến. Làm sao quên được những trang hồi kí đẫm nước mắt thấu cảm với một người dũng cảm đi từ phía bầu trời sụp đổ về những mũi thuốc, những ca sinh thiết, những buổi hội chẩn trong vai trò mới, con người mới: một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối? Làm sao quên được lời tự nhủ “Có phải căn bệnh hiểm nghèo là món quà hoàn hảo cho chàng trai trẻ, người hằng mong thấu hiểu cái chết sao?” để học “cách sống” và “cách chết”? Làm sao quên được những khó khăn thế nào của Paul trước khi đi đến quyết định khi khối u chưa di căn, anh quyết định có con và hoàn thành nốt chương trình bác sĩ nội trú với tinh thần thép? Làm sao quên được một “con người kép”: kết nối với bệnh nhân trong vai trò bác sĩ, đồng thời cũng là một bệnh nhân chiến đấu với tử thần? Hai năm chạy đua với bệnh tật, Paul đã dùng kinh nghiệm của chính mình để cứu chữa cho người khác và dùng năng lượng tích cực ở thời kỳ cuối của căn bệnh, Paul nhẹ nhõm tận hưởng những ngày còn lại bên gia đình và thực hiện những điều anh mong muốn xưa kia. Paul bắt tay vào việc viết lách, đồng thời chào đón con gái anh Cady ra đời trong niềm vui.
Đọc quyển sách của Paul và những kinh nghiệm anh đã sẻ chia, tôi càng cảm thấy sự diệu kì qua từng trang sách. Tuổi thơ của Paul đã được nuôi lớn qua những trang sách Bá tước Monte Cristo (Alexandre Dumas), Robinson Crusoe, (Daniel Defoe), Người Mohican cuối cùng (James Fentub Cooper), … Để rồi, anh đã sống một cuộc đời ngắn ngủi của nhiều cuộc đời: một nhà văn, một bác sĩ, một nhà khoa học, một bệnh nhân,… hơn cả là một CON NGƯỜI. Không quá văn chương bay bổng, cũng không hô hào thuyết giáo, với văn phong mượt mà, dung dị thấm đẫm trải nghiệm, Paul đã thành thật, chân phương gửi đến chúng ta “Khi hơi thở hóa thinh không”. “Khi hơi thở hóa thinh không” là một kỉ vật duy nhất, một món quà đầy ý nghĩa mà Paul Kalanithi để lại cho cuộc đời này. Thật ý nghĩa khi quyển sách mở đầu bằng lời đề tựa của Tiến sĩ Abraham Verghese, và kết thúc bằng lời bạt của Lucky Kalanithi. Đó như minh chứng cho sức sống mãnh liệt của những “cách chết”. Mâu thuẫn? Vâng! Bản thân chân dung vị bác sĩ – bệnh nhân ngay bìa sách đã có vẻ như mâu thuẫn! Nhưng trong mâu thuẫn giữa thinh không ngôn từ là những thông điệp sâu sắc về tình yêu thương, về lý tưởng, về lòng tử tế, về sự bao dung, về lòng biết ơn, về giá trị của sự sống, về nỗi sợ hãi, về mối quan hệ giữa con người,…. Và sau khi gấp lại những trang sách, tôi thật hạnh phúc khi nhận ra rằng mỗi con người tồn tại trên đời dù ngắn hay dài đều có ý nghĩa, như lời Paul nói với con gái cuối quyển sách “Con đã từng lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết, bằng một niềm vui chan chứa, niềm vui của sự thỏa mãn, bình an”. Vậy thì, còn sợ gì cái chết, còn ám ảnh gì căn bệnh quái ác kia, hãy làm hết những gì có thể, hãy cảm ơn đời khi ta vẫn còn hơi thở, còn có thể cho đi yêu thương! Ở phần lời bạt cuối sách, vợ anh – chị Lucy Kalanithi – viết về thời khắc cuối cùng của chồng với hình ảnh xúc động và yên ả: “Căn phòng đầy ắp yêu thương, tựa như rất nhiều kỳ ngày lễ cuối tuần mà chúng tôi chia sẻ những năm qua. Tôi vuốt tóc, thì thầm “Anh là chàng Paladin dũng cảm” – tên thân mật mà tôi đặt cho Paul – và hát nhẹ nhàng bên tai anh bài thơ chúng tôi sáng tác vài tháng trước với thông điệp “Cảm ơn anh vì đã yêu em”…”. Vâng, Paul là anh chàng dũng cảm, dũng cảm trong sự lựa chọn “cách sống” và “cách chết”. Hãy để những trải nghiệm đời anh đồng hành cùng bạn qua “Khi hơi thở hóa thinh không”! Tôi tin chắc rằng, bạn sẽ nhận ra thêm rất nhiều điều kì diệu hơn cả điều kì diệu!
Trần Trương Quỳnh Như – Lớp 12C1 Khóa 26